Telegram đồng ý tiết lộ địa chỉ IP người dùng theo yêu cầu của chính quyền
Thông báo quảng cáo
Cung cấp thông tin chính xác, minh bạch và trung thực là nguyên tắc ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Một số nội dung của chúng tôi có các liên kết từ đối tác với hoa hồng đi kèm nhưng chúng tôi cam kết việc này không có ảnh hưởng tới tính minh bạch, tới chất lượng của bài viết.
CEO của Telegram, Pavel Durov vừa công bố một thay đổi quan trọng trong chính sách bảo mật và riêng tư của ứng dụng nhắn tin này, qua đó đồng ý cung cấp địa chỉ IP và số điện thoại của người dùng theo yêu cầu của chính quyền.
Trong cập nhật điều khoản dịch vụ mới nhất, Telegram cho biết họ sẽ cung cấp thông tin người dùng cho chính quyền nếu có yêu cầu hợp pháp như lệnh khám xét. Điều này đánh dấu một bước thay đổi quan trọng đối với nền tảng nhắn tin này khi nó từng được biết đến với nhiều tính năng bảo vệ nghiêm ngặt dữ liệu người dùng.
“Nếu Telegram nhận được yêu cầu hợp lệ từ các cơ quan tư pháp có liên quan, xác nhận bạn là nghi phạm trong một vụ án hình sự vi phạm Điều khoản dịch vụ của Telegram, chúng tôi sẽ thực hiện phân tích pháp lý yêu cầu đó và có thể tiết lộ địa chỉ IP cũng như số điện thoại của bạn cho các cơ quan có liên quan. Nếu có dữ liệu được chia sẻ, chúng tôi sẽ đề cập nó trong báo cáo minh bạch hàng quý được công bố tại: https://t.me/transparency”, Telegram thêm quy định mới vào điều khoản dịch vụ của mình.
Trước đây, Telegram định vị bản thân mình là nền tảng ủng hộ mạnh mẽ quyền riêng tư và bảo mật người dùng. Nền tảng với hơn 700 triệu người dùng chủ động này thường được coi là thiên đường cho những ai muốn mã hóa nội dung liên lạc và né tránh hoàn toàn sự giám sát của chính quyền.
Tuy nhiên, quy định mới đang cho thấy Telegram giờ đã sẵn sàng hoạt động với các cơ quan chấp pháp dưới một vài điều kiện nhất định.
CEO Telegram bị bắt giữ, thời kỳ kháng kiểm duyệt chấm dứt
Vào ngày 24-8, CEO của Telegram, Pavel Durov đã bị bắt tại một sân bay ở vùng ngoại ô Paris, Pháp. Tỷ phú người Nga vướng vào nhiều cáo buộc nghiêm trọng, bao gồm đồng lõa buôn bán ma túy, phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em, lừa đảo, rửa tiền và cung cấp các dịch vụ mã hóa bất hợp pháp. Sau khi Durov được thả, Telegram đã phải đối mặt với áp lực lớn từ nhiều chính phủ, yêu cầu chia sẻ dữ liệu người dùng.
Việc Durov bị bắt giữ đã làm dấy lên nhiều lo ngại về quyền riêng tư và sự tự do trên các nền tảng nhắn tin mã hóa như Telegram. Nhiều quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc kiểm soát các nền tảng truyền thông xã hội, trong bối cảnh các cáo buộc liên quan đến tội phạm mạng ngày càng gia tăng.
Daria Lysenko, một luật sư chuyên về tiền điện tử tại công ty luật SBSB, gần đây đã cho biết môi trường pháp lý đang thay đổi nhanh chóng, và các công ty công nghệ như Telegram có thể buộc phải tuân theo yêu cầu của chính quyền trong việc cung cấp thông tin cá nhân của người dùng.
Tranh luận về quyền tự do ngôn luận
Kể từ vụ bắt giữ của Durov, đã có những cuộc tranh luận nảy lửa về quyền tự do ngôn luận. Chủ tịch Signal, mạng xã hội có trụ sở tại Mỹ và theo thiên hướng bảo vệ quyền riêng tư, Meredith Whittaker cho rằng, vụ bắt giữ Durov cho thấy các công ty công nghệ đang phải đối mặt với “một môi trường địa chính trị rất bất ổn.”






